Kinh nghiệm check in nhà của Pao Hà Giang hấp dẫn du khách
Nếu bạn đã từng xem bộ phim lừng lẫy một thời “Chuyện của Pao” thì chắc chắn sẽ không còn thấy xa lạ khi nhắc đến những cảnh quay ngôi nhà trong phim. Và hôm nay, mình sẽ cùng các bạn đi tham quan nhà của Pao để khám phá xem chúng có gì đặc biệt nhé!
Đôi nét về nhà của Pao Hà Giang
Pao là ai?
Mua Sáo Pao chính là tên của chủ ngôi nhà này. Ông là một người dân tộc Mông ở Hà Giang. Nhà Pao được bắt nguồn từ trong một bộ phim điện ảnh “Chuyện của Pao”.
Pao chính là tên của nhân vật nữ chính trong phim-một cô gái người Mông xinh đẹp. Nội dung phim lôi cuốn, tình cảm và đầy tính nhân văn. Trong phim, đạo diễn sản xuất đã chọn ngôi nhà này để làm bối cảnh và phim trường chính. Tất cả các cảnh vật, cây cối, đồ đạc đều có thật và lấy từ chính ngôi nhà này. Ngôi nhà mang những giá trị cổ xưa, mộc mạc, gần gũi, đậm đà bản sắc dân tộc. Sau khi kết thúc phim, ngoài nội dung và diễn viên trong phim thì thứ lắng đọng nhất trong trí nhớ người xem đó chính là khung cảnh nhà của Pao. Kể từ đó, ngôi nhà trở thành một điểm tham quan du lịch của nhiều du khách từ mọi miền đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhà của Pao ở đâu?
Địa chỉ Nhà của Pao Hà Giang tọa lạc ở làng văn hóa Lũng Cẩm, thuộc thung lũng Sủng Là, Đồng Văn, thành phố Hà Giang. Ngôi nhà cách Hà Nội 400km, cách TP.HCM 2.000km và cách trung tâm TP.Hà Giang khoảng 120km.
Cách di chuyển đến nhà của Pao ở Hà Giang
Từ trung tâm thành phố Hà Giang bạn đi về phía QL2 và rẽ phải vào cầu Yên Biên. Tiếp tục đi vào đường Nguyễn thái Học/QL34 (khoảng 2km) và vào tiếp đường Nguyễn Văn Linh/QL4C. Sau khi chạy thẳng con đường QL4C là sẽ đến Lũng Cẩm, Sủng Là – điểm đến phim trường nhà của Pao sẽ nằm ở phía trước.
Nhà của Pao có gì hấp dẫn du khách?
Làng văn hóa Lũng Cẩm
Đặc trưng nơi đây là những cao nguyên đá và các dãy núi nối tiếp nhau, tạo nên khung cảnh xanh mát mà hùng vĩ. Khi đến đây bạn sẽ có thể check in tại cánh cổng làng, khám phá cánh đồng bắp và những vườn hoa rực rỡ sắc màu.
Check in cánh đồng hoa
Khi đi du lịch nhà của Pao thì chắc chắn bạn đừng quên ghé chụp một vài tấm ảnh tại cánh đồng hoa. Với những người từ nơi xa đến thì ít ai biết rằng: ngày xưa, cánh đồng Lũng Cẩm còn được gọi với cái tên quen thuộc là “thung lũng thuốc phiện”. Gọi là vậy vì lý do là khi xưa người dân chỉ trồng duy nhất 2 loại cây đó là cây thuốc phiện và cây ngô. Còn ngày nay thì thời đại phát triển, xã hội cũng dần thay đổi, thế nên nơi đây không trồng thuốc nữa mà đã trở thành mảnh đất canh tác lúa, cây quả, hoa tam giác mạch để phục vụ cho cuộc sống người dân.
Tham quan nhà của Pao
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1947 với những nét kiến trúc cổ kính nhất.
Quá trình xây dựng hoàn toàn bằng thủ công, thiết kế nhà theo dạng khép kín ở 4 phía, khoảng giữa là sân trời. Tường nhà được làm bằng đất, mái nhà bằng ngói âm dương. Móng nhà, sân nhà và chân cột nhà được làm bằng đá vôi xanh nguyên thủy. Bao quanh khuôn viên ngôi nhà đó là những tường đá hết sức kiên cố và chắc chắn, có tuổi đời đã hơn 100 năm.
Sau khi tham quan toàn bộ xung quanh nhà thì sẽ thấy phía dưới gian nhà là một căn hầm – đó chính là nơi mà khi xưa dùng để chứa thuốc phiện. Cuối cùng là đến gian phụ – đây là nơi dùng làm nhà bếp, nơi nấu ăn hoặc làm kho chứa đồ.
Kinh nghiệm check in nhà của Pao cho bạn
Thời điểm lý tưởng
Dù là đi vào mùa nào thì nhà của Pao ở Hà Giang cũng có nét đẹp riêng, tuy nhiên dưới đây là các mốc thời gian lý tưởng bạn có thể tham khảo để chuyến đi được trọn vẹn nhất.
- Vào tháng 1-2: đây là mùa mà Hà Giang nở rộ hoa đào hoa mận và cải vàng. Du khách chắc chắn sẽ bị choáng ngợp vì khung cảnh rực rỡ, đầy màu sắc.
- Vào tháng 3-4: mùa hoa gạo đỏ nở rực
- Vào tháng 4-5: Hà Giang vào mùa nước đổ, nước mênh mông các thửa ruộng. Thời điểm này khách đến thưa thớt hơn, không náo nhiệt như những mùa khác.
- Vào tháng 9-10: mùa lúa chín vàng ngút ngàn, thơm ngát cả mảnh đất Hà Giang.
- Vào tháng 10-12: nếu bạn muốn tận mắt ngắm nhìn hoa Tam Giác Vàng vào mùa khoe sắc thì đây chính là thời điểm thích hợp nhất.
Giá vé
- Vé tham quan ruộng Hoa Tam Giác Mạch là 10.000 VNĐ/ người.
- Vé tham quan làng văn hóa Lũng Cẩm: 10.000 VNĐ/người.
Một số lưu ý khi đến nhà của Pao
- Trang phục
Một trong những điều cấm kỵ trong các bản làng của người dân tộc nơi đây đó là những bộ trang phục có chất liệu từ vải lanh trắng. Họ quan niệm rằng đồ từ vải lanh trắng là màu tượng trưng cho tang tóc, cho điềm gở, xui xẻo. Thế nên khi đến đây tham quan du khách hãy chọn mặc những bộ trang phục kín đáo, ấm áp và có màu sắc tươi tắn.
- Đi nhẹ, nói khẽ
Khi đến đây bạn không nên nói chuyện quá to, hô hoán gọi nhau. Đặc biệt là không nói những câu từ khiếm nhã, không đúng với thuần phong mỹ tục. Lưu ý rằng không được huýt sáo vì huýt sáo là hành động tượng trưng cho việc gọi ma quỷ, bão giông về.
- Không xoa đầu
Ở nhiều nơi khác, bạn có thể thể hiện tình cảm của mình với trẻ em bằng cách ôm, hôn, nựng má hoặc xoa đầu. Tuy nhiên đối với trẻ em ở đây thì bạn không nên làm vậy vì người dân quan niệm những điều đó sẽ khiến cho các con em của họ hay bị đau bệnh, không được khỏe mạnh,
- Chùm lá cây
Một trong những cách để nhận biết họ đang làm nghi thức hoặc cúng lễ để xua đuổi ma quỷ, điều xui xẻo đó là chùm lá treo trước cửa nhà. Nếu nhìn thấy những vật đó thì tức là gia chủ này đang kiêng kỵ người lạ, không tiếp đón khách tới. Vậy nên trước khi vào trong bất kỳ ngôi nhà nào cũng nên quan sát trước. Đối với những ngôi nhà đang cúng lễ như vậy thì bạn không vào tham quan và cũng không chỉ trỏ vào nhà của họ nhé.
- Phép lịch sự
Khi nhìn thấy người dân tộc trên đường thì bạn không nên quay mặt đi mà thay vào đó nhìn và cười trìu mến với họ để họ cảm thấy sự gần gũi, thân thiện với du khách. Trước khi vào tham quan nhà thì phải xin phép chủ nhà và chủ động gật đầu chào. Nếu họ nói được tiếng Kinh thì bạn hãy lắng nghe họ kể chuyện, hoặc nếu không thì bạn chỉ cần gật đầu và cười là họ đã hiểu thành ý rồi. Đặc biệt là khi đến tham quan và cho đến lúc ra về đừng quên chào và cảm ơn chủ nhà nhé.
- Không tự ý đụng vào các vật dụng, đồ vật trong nhà.
- Không được ngồi hoặc tựa lưng trước cửa nhà. Không được treo đồ, áo khoác hoặc túi xách vào cột nhà của họ. Vì họ xem cửa và cột nhà là những nơi linh thiêng để thờ thần cửa và thật cột cái.
- Không ngồi vào những chiếc ghế được để ở phía đầu vì một số gia đình họ sẽ dành ghế đó để dành cho cha mẹ.
- Dù được tự do tham quan nhà nhưng bạn không nên đi thẳng từ bên ngoài vào trên gác, hãy đi một vòng xung quanh, đi từ từ chậm rãi để ngắm nhìn mọi thứ rồi mới tiến lên trên gác.
- Dù du lịch ở nơi đâu thì cũng không nên ngồi ngang hàng với những người già, người lớn tuổi, và khi đến nhà của Pao cũng không ngoại lệ.
Vừa rồi là những thông tin giới thiệu cũng như các lưu ý khi đến du lịch nhà của Pao Hà Giang. Hy vọng bài viết này đã có thể giúp cho bạn chuẩn bị thật kỹ những gì cần thiết cho chuyến đi của mình, chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời khi đến đây!