Bánh chưng gù Hà Giang có gì đặc biệt?
Bánh chưng gù Hà Giang có gì đặc biệt?
Bánh chưng là món ăn truyền thống được sử dụng trong những dịp lễ, tết của người Việt. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại bánh chưng. “Bánh chưng gù Hà Giang” bạn đã từng nghe chưa? Cái tên nghe lạ lạ, có gì đó bí ẩn không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Bánh chưng gù Hà Giang có gì đặc biệt? – Nguồn: Hà Giang Foods
Bánh chưng gù Hà Giang có nguồn gốc từ đâu?
Nhắc đến Hà Giang, bạn không thể bỏ qua những cung đèo uốn lượn, dòng sông Mã Pí Lèng hùng vĩ. Những đồi hoa tam giác mạch bát ngát. Đến đây, du khách không chỉ thả mình vào thiên nhiên hùng vĩ mà còn được thưởng thức ẩm thực vô cùng độc đáo đó là món bánh chưng gù Hà Giang.
Bánh chưng gù Hà Giang là sự kết hợp từ nguồn gốc sự tích “Bánh chưng- bánh giầy”. Bánh chưng gù có kích thước nhỏ, nguyên liệu chính dùng bằng gạo nếp nương, đậu xanh, thịt lợn và được gói bằng lá dong buộc, lạt sau đó đun bằng bếp củi. Bánh chưng gù có 2 màu đặc trưng đó là bánh đen và bánh xanh. Còn có tên gọi khác như: Bánh chưng gù, bánh gù, bánh gù xanh, bánh gù đen…
Bánh chưng gù Hà Giang điểm đặc biệt đến từ tên gọi
Bánh chưng gù được biết đến là món ăn nổi tiếng của đồng bào người Tày. Điểm đặc biệt của bánh chưng gù Hà Giang so với các nơi khác đó chính là tên gọi. Đến với Hà Giang bạn sẽ tận mắt chứng kiến hình ảnh người phụ nữ đeo gùi trên lưng. Họ vượt đèo, làm nương rẫy, địu lúa, địu ngô trên vai. Vì vậy, hình tượng đó đã được dùng để đặt tên cho chiếc bánh chưng gù của đồng bào mình.
Món bánh chưng gù một đặc sản vùng đất Hà Giang không quá mới nhưng lại rất được yêu thích. Chiếc bánh nhỏ bé xinh xinh có màu xanh của lá dong rừng. Buộc bằng lạt của cây giang, dùng bằng gạo nếp nương, đậu xanh và thịt lợn đen bản địa nên bánh dễ ăn, dẻo thơm và ngon.
Cách gói bánh chưng gù chuẩn vị người tày Hà Giang
Bánh chưng gù là loại bánh truyền thống của người Tày Hà Giang – Nguồn: Hà Giang Foods
Bánh gù là loại bánh truyền thống của người Tày Hà Giang. Bánh được gói theo cách thủ công, không gói vuông mà lưng bánh hơi gù lên như chiếc lưng đeo gùi của những người phụ nữ vùng cao. Bánh có màu đen hoặc xanh. Có vị thơm của đỗ xanh, hạt nếp. Bánh không bị nhớt, không bị chảy nước, không hồi lại gạo.
Để làm ra được chiếc bánh chưng gù thơm ngon khâu chuẩn bị gạo để gói bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng trồng trên đồi. Hạt nếp to thì bánh mới dẻo hơn và ngon. Gạo vo nhiều lần rồi để ráo nước chứ không ngâm. Chọn thịt để gói bánh phải là thịt lợn đen nuôi dân nuôi trong bản. Khâu quyết định chính là quy trình ướp gia vị.
“Hạt tiêu” là gia vị quan trọng không thể thiếu trong khâu làm bánh gù. Khi mở bánh ra phải có mùi thơm nồng của tiêu. Không dùng hạt tiêu xay sẵn ngoài chợ mà mua tiêu hạt. Hạt tiêu rang nghe nổ tanh tách, dùng tay đảo thấy nhẹ mới xay cho mịn.
Đậu xanh phải chọn loại hạt nhỏ ngâm lọc bỏ hết lớp vỏ màu xanh. Sau đó đồ chín gói bánh mới ngon. Gia vị phải ướp vừa tay, không quá mặn hoặc quá nhạt.
Tại sao bánh chưng gù có màu đen?
Bánh chưng người Tày, khâu tạo màu là một trong những khâu quan trọng nhất. Màu đen của bánh chưng gù có thể dùng từ rơm nếp, cây núc nác, cây vừng đốt ra than rồi nghiền thành bột. Một số vùng của Hà Giang chỉ dùng rơm nếp mới cho ra màu đen đậm, mùi thơm ngậy của rơm.
Tạo màu đen cho bánh bằng cách dùng bột rơm nếp
Khi thu hoạch nếp nương, người dân cắt từng bông nếp. Sau đó buộc thành bó phơi khô. Khi dùng đến gạo nếp thì đi tuốt hoặc giã bằng tay để tách hạt thóc nếp ra khỏi rơm. Rơm này cất lại để sử dụng khi gói bánh chưng đen. Đốt khoảng 2 bó rơm nếp thành tro để nguội, rồi đem giã thành bột thật mịn có thể dùng máy xay để xay mịn.
Gạo nếp vo sạch, để ráo nước. Sau đó trộn lẫn với gạo và bột rơm nếp, đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột rơm thành màu đen. Gạo đạt yêu cầu khi dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn vẹn màu đen, không bong lớp đen bên ngoài thì mới đạt yêu cầu.
Gói bánh chưng gù bằng phương pháp thủ công
Gói bánh chưng gù Hà Giang là khâu quan trọng nhất tạo nên đặc trưng của loại bánh này. Hạt gạo sau khi nhuộm màu phải được sàng sẩy sạch sẽ mới mang vào gói. Lá dong phải chọn lá bánh tẻ, rửa sạch, lau khô, cắt bớt gân cho lá mềm, khi gói lên bánh mới đẹp. Khi gói bánh gù chỉ sử dụng một lớp lá dong.
Để tạo ra được hình dáng gù của chiếc bánh, người ta gấp hai mép lá dong lại. Công đoạn này phải thật khéo tay, nếu không bánh sẽ không cân đối, không đẹp. Sau đó dùng lạt buộc lại. Lạt được chuẩn bị là những sợi mỏng dài khoảng 60-80cm. mỗi cái bánh đùng 3-4 dây buộc vòng tròn xung quanh bánh sau đó xếp vào nồi luộc.
Luộc bánh
Luộc bánh cũng cần có những kỹ thuật riêng. Nồi bánh lúc nào cũng phải để củi to, đợi đủ tám tiếng đồng hồ tính từ lúc nước sôi mới vớt bánh ra, rửa qua hai lần nước rồi để quạt cho ráo.
Chiếc bánh chưng đen chỉ nặng khoảng 200g, nhỏ gọn, vừa vặn trong bàn tay. Bánh có màu đen bóng nháy nhưng vẫn ánh sắc xanh của lá dong. Loại bột từ rơm nếp trộn vào làm cho bánh chưng đen thơm ngậy, hương vị và màu sắc khác lạ so với bánh chưng xanh.
Luộc bánh bằng bếp củi trong thời gian từ 8 -10 tiếng
Bánh chưng gù Hà Giang món quà của núi rừng vùng cao
Ngày xưa, theo phong tục của người Tày, ngoài việc thắp nhang tổ tiên, bánh chưng đen còn được dùng trong các bữa cơm ngày Tết mời bà con, họ hàng trong thôn, trong bản với quan niệm: màu đen của bánh là sự hòa hợp của núi rừng, đất trời và lòng người.
Chiếc bánh chưng gù Hà Giang không còn quanh quẩn trong bản làng, núi rừng vùng cao nữa. Bánh chưng gù người Tày đã “đi” khắp cả nước. Không cần đợi đến Tết mà bất cứ ngày nào trong năm, du khách khi đến Hà Giang đều được thưởng thức bánh chưng đen như một nét tinh hoa văn hóa ẩm thực không thể thiếu của vùng cao này.
Bài viết đã cho ta thấy sự hòa hợp của đất trời và lòng người trong chiếc bánh. Điều đặc biệt hơn đó là việc ghi nhận sự vất vả của người phụ nữ vùng cao. Đó chính là điểm đặc biệt trong chiếc bánh chưng gù Hà Giang.